Thực hiện đề án chuyển đổi cơ cấu và phát triển ngành nông nghiệp sản xuất hàng hóa, tạo thành chuỗi giá trị, huyện Mường Khương luôn chú trọng việc hướng dẫn, giúp đỡ, định hướng cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có năng suất, giá trị cao; kêu gọi doanh nghiệp liên kết với người dân trong sản xuất nông nghiệp, đầu tư nhà máy chế biến nông sản. Đến nay huyện đã tạo được vùng nguyên liệu lớn đối với các loại cây như: chè, dứa, chuối, quýt, gạo séng cù, ớt,… Để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp giá trị cao, các doanh nghiệp đã liên kết sản xuất với người dân, hỗ trợ về giống, kỹ thuật canh tác, chăm bón, gắn với việc đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến, tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, có đăng ký thương hiệu xuất xứ từ vùng đất của Mường Khương. Nhiều sản phẩm đã được tiêu thụ rộng rãi và được thị trường ưa chuộng và tin dùng. Trong đó quýt là một trong những loại cây trồng mang lại giá trị hiệu quả rất cao, sản phẩm quýt Mường Khương hiện đã trở thành thương hiệu nổi tiếng, sử dụng rộng rãi trong nước và cạnh tranh với cả các sản phẩm quýt nhập khẩu.
Thực tiễn cho thấy định hướng của huyện Mường Khương là đúng hướng, mang lại giá trị, hiệu quả cao, là mô hình đang được nhiều nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh quan tâm hợp tác đầu tư, tạo cơ hội mở rộng vùng sản xuất nguyên liệu với quy mô lớn, tạo sự liên kết giữa người dân với doanh nghiệp, tạo nên các sản phẩm có chất lượng, giá trị cao cung cấp cho thị trường trong nước, thay thế sản phẩm nhập khẩu và hướng tới xuất khẩu. Đây là cơ hội để người dân Mường Khương đẩy mạnh sản xuất, tăng thu nhập, từng bước xóa đói, giảm nghèo và làm giàu từ nông nghiệp.
Mường Khương dần hình thành các vùng sản xuất hàng hóa với quy mô lớn
Nhiều năm qua Mường Khương được biết đến với nhiều sản phẩm nông sản đặc sản như gạo Séng cù, cây chè, quýt, dứa, chuối, ớt,… đã, đang đem lại thu nhập, giúp người dân cải thiện đời sống. Hiện tại huyện Mường Khương đã hình thành một số vùng chuyên canh, nông sản sản xuất hàng hóa như cây ngô lai, vùng lúa Séng cù đặc sản trên 400 héc-ta, 3.171 ha trồng chè. Cùng với đó, vùng cây ăn quả như dứa, chuối, quýt cũng có trên 2.351 héc-ta đều là những sản phẩm nông nghiệp thế mạnh, có thương hiệu, mang lại giá trị kinh tế cao. Cùng với phát triển và mở rộng diện tích các cây nông nghiệp những năm qua Mường Khương đã tập trung mọi nguồn lực chú trọng đầu tư, mở rộng diện tích cây quýt. Với đặc thù là huyện vùng cao biên giới, nhiều nương đồi có độ dốc lớn, nhiều đá trong khi khí hậu khắc nghiệt và thiếu nước nên các loại nông sản như lúa, ngô cho năng suất thấp. Thế nhưng, thổ nhưỡng ở đây lại rất phù hợp với cây quýt. Từ nhiều năm nay, cây quýt ngọt được xem là loại cây trồng xóa đói giảm nghèo bền vững cho nhiều hộ gia đình ở Mường Khương. Đặc biệt là từ khi triển khai dự án sản xuất quýt an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và xác lập quyền chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quýt Mường Khương, giá trị kinh tế mang lại từ loại cây trồng này được nâng lên rõ rệt, khẳng định được chỗ đứng trên thị trường. Tính đến nay tổng diện tích quýt của toàn huyện là 653 ha, diện tích cho thu hoạch 296 ha, được trồng chủ yếu tại Thị trấn Mường Khương, Tung Chung Phố, xã Tả Ngài Chồ, Nấm Lư và xã Lùng Khấu Nhin. Đây là những khu vực vùng trung của huyện, có khí hậu tương đối mát, đất đồi, núi cao, phù hợp với điều kiện sinh trưởng và phát triển cây quýt. Trong khoảng tháng 7 - tháng 8 các loại quýt truyền thống còn đang giữa kỳ làm quả, sát Tết nguyên đán mới chín, thì quýt bột chín sớm đã “ửng vàng” từ giữa tháng 8 và chín rộ vào giữa tháng 9, kết thúc thu hoạch vào cuối tháng 10. Do chín sớm nên quýt bột chín sớm dễ bán, được giá, được thương lái và người tiêu dùng ở thành phố Lào Cai, khu du lịch Sa Pa và các tỉnh miền xuôi ưa chuộng.Với giá bán bình quân 12.000 - 18.000 đồng/kg, giá trị sản lượng trong 10 tháng năm 2020 của sản lượng quýt ước đạt gần 6,2 tỷ đồng. Còn quýt chín muộn cũng vào thời gian Tết Nguyên đán do đó người dân có thể mua trừng bày mâm ngũ quả với vị ngọt đậm đà, qủa to, màu sắc đẹp.
Mường Khương tập trung mọi nguồn lực chú trọng đầu tư, mở rộng diện tích cây quýt
Anh Pờ Khái Hùng – Thôn tả Chư Phùng - xã Tung Chung Phố cho hay. Nhiều năm qua được sự tuyên truyền, vận động của Thị trấn Mường Khương trong chuyển đổi một số diện tích đất đồi kém hiệu quả sang trồng cây quýt. Thời gian đầu chưa có kinh nghiệm trồng và chăm sóc do đó hiệu quả đem lại không cao. Sau nhiều lần được tham gia các lớp tập huấn về hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc từ xã Tung Chung Phố và các cơ quan chuyên môn của huyện, cùng với nhiều năm tích lũy được kinh nghiệm nên bà con nông dân đã bắt đầu trồng và mở rộng diện tích quýt. Do đó đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho các hộ nông dân trên địa bàn. Cũng theo những người dân ở xã Tung Chung Phố, đến nay, chưa có cây nào cho thu nhập cao và bền vững như cây quýt. Mức thu phổ biến của các hộ trồng quýt ở nơi đây vào khoảng 80-100 triệu đồng/năm.
Mức thu phổ biến của các hộ trồng quýt trên địa bàn huyện Mường Khương vào khoảng 80-100 triệu đồng/năm.
Là một trong những hộ tiên phong trong việc đưa cây quýt về trồng trên diện tích đất nông nghiệp và triển khai trồng quýt theo tiêu chuẩn VietGAP, đến nay, gia đình Chị Cồ Thị Phương, ở thôn Chúng Chải B, thị trấn Mường Khương đang có hơn 2 ha quýt chín sớm và quýt chín muộn, đem lại thu nhập từ 160 đến 180 triệu đồng mỗi năm. Chị Phương cho biết, trồng quýt theo tiêu chuẩn VietGAP giúp cho việc tiêu thụ sản phẩm được thuận lợi hơn trước rất nhiều, đặc biệt là giá thành mỗi kg quýt đã tăng từ 1,2 đến 1,5 lần so với trước đây.
\
Chị Cồ Thị Phương, ở thôn Chúng Chải B, thị trấn Mường Khương đang có hơn 2 ha quýt chín sớm và quýt chín muộn, đem lại thu nhập từ 160 đến 180 triệu đồng mỗi năm
Với lợi thế của huyện Mường Khương là nằm ở độ cao hơn 1.000 mét so với mực nước biển, có tiểu vùng khí hậu ôn đới thích hợp với các loại cây có múi. Do chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn, sương mù và độ ẩm cao nên chất lượng quýt được trồng ở đây thường quả to, mọng nước, vị ngọt, thơm đặc trưng. Những năm trước đây, quýt từ bên kia biên giới bày bán khắp các chợ đầu mối ở trên địa bàn huyện, nhưng từ khi có quýt do chính người nông dân huyện Mường Khương trồng, người tiêu dùng trong và ngoài huyện đã tin dùng và được xuất bán nhiều nơi trong cả nước. Đặc biệt, sản phẩm quýt Mường Khương đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, đó là tấm giấy thông hành để sản phẩm nông sản của bà con nông dân vùng cao Mường Khương đến với người tiêu dùng thuận lợi hơn, nhất là các siêu thị, nhà hàng, khách sạn. Để tiếp tục nâng cao giá trị và chất lượng quýt, đồng thời thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm, ngành Nông nghiệp huyện Mường Khương đã chỉ đạo và hướng dẫn bà con nông dân trồng và thu hoạch quýt theo tiêu chuẩn VietGAP, không dùng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích sinh trưởng, chỉ áp dụng canh tác theo phương pháp hữu cơ, tăng cường sử dụng phân chuồng và phòng trừ sâu bệnh bằng việc làm sạch cỏ, sử dụng thiên địch và phòng ngừa sâu bệnh hại từ sớm. Hiện nay, huyện Mường Khương đã hình thành được vùng sản xuất quýt áp dụng quy trình VietGAP với diện tích 212 ha, qua đó góp phần giữ gìn thương hiệu quýt Mường Khương và nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, nâng cao giá trị kinh tế trên cùng một diện tích đất canh tác cho người dân địa phương. Theo đánh giá, cây quýt trồng sau 5 năm sẽ cho thu hoạch ổn định với dự kiến năng suất bình quân đạt trên 10 tấn/ha. Sau khi trừ chi phí sản xuất, cây quýt cho thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm. Cùng với mở rộng sản xuất, duy trì và nâng cao chất lượng hàng hóa, hiện tại địa phương chú trọng vào việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến, liên kết tiêu thụ. Chất lượng nông sản của Mường Khương đã thu hút các doanh nghiệp, thương lái tìm đến. Bên cạnh đó nhận thấy được tầm quan trọng và lợi ích từ hoạt động kết nối cung cầu, quảng bá sản phẩm nông sản, thực phẩm, nên hàng năm, UBND huyện Mường Khương đều tổ chức các chuỗi sự kiện về kết nối cung cầu, giới thiệu sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn tới du khách trong và ngoài huyện. Qua đó hỗ trợ, thu hút các đơn vị, doanh nghiệp, địa phương tham gia các hoạt động. Thông qua việc hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị, địa phương tham gia các hoạt động kết nối cung cầu và trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản, thực phẩm, hàng năm đã thu hút hàng trăm lượt khách tham quan và mua hàng đến từ các vùng lân cận và các địa phương trong và ngoài tỉnh Lào Cai đến với Mường Khương.
Từ khi cây quýt được trồng theo hướng VietGAP đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh Lào Cai biết được bởi vị đặc trưng, thơm, ngọt
Năm nào cũng vậy, cứ vào khoảng tháng 8 năm trước đến tháng 2 năm sau thương lái từ các nơi cũng đánh xe vào tận vườn để mua quýt Mường Khương đưa về chợ đầu mối Hà Nội và các tỉnh miền xuôi. Người nông dân địa phương cũng tự tìm đầu ra cho sản phẩm của mình thông qua sàn giao dịch điện tử và quảng bá sản phẩm của mình thông qua các trang mạng xã hội. Thời gian gần đây, nhiều chủ vườn còn thực hiện kết hợp mô hình tham quan, du lịch vườn để thu hút khách. Do đó, quýt ở Mường Khương luôn trong tình trạng "cung không đủ cầu". Hiệu quả kinh tế mang lại khi sản xuất quả quýt ngọt theo hướng VietGAP là rất rõ ràng, và cây quýt đã trở thành loại cây trồng mũi nhọn của Mường Khương. Từ trồng quýt đã xuất hiện ngày càng nhiều hộ gia đình khá, giàu; bộ mặt khu vực nông thôn, vùng cao của huyện Mường Khương dần thay đổi theo hướng tích cực.
Song song với phát triển vây quýt, cây chè cũng là một trong những cây trồng chủ lực được huyện Mường Khương chú trọng và quan tâm mở rộng, phát triển. Giai đoạn 2016 - 2020 toàn huyện trồng mới gần 1.200 ha chè, bằng 172% mục tiêu, nâng tổng diện tích chè toàn huyện đến năm 2020 đạt 3.476 ha. Chỉ tính 10 tháng năm 2020 sản lượng chè búp tươi đạt trên 17.660 tấn, giá trị đạt gần 113 tỷ đồng. Vì vậy có thể thấy cây chè Mường Khương cho năng suất cao và ổn định nếu đầu tư thâm canh đúng quy trình kỹ thuật. Mặt khác, chè Mường Khương được người tiêu dùng ưa chuộng bởi chất lượng thơm ngon đặc trưng loại chè vùng cao. Nếu thâm canh tốt, mỗi héc-ta chè cho thu nhập trung bình 60 - 80 triệu đồng, thậm chí 100 triệu đồng.
Cây chè là một trong những cây trồng đem lại thu nhập tưởng đối ổn định đối với người dân trên địa bàn huyện Mường Khương
Một trong những yếu tố quan trọng góp phần thực hiện thành công việc phát triển vùng nguyên liệu chè là sự hợp tác liên kết tiêu thụ sản phẩm chè búp tươi ổn định cho người dân trong suốt thời gian qua. Trên địa bàn huyện Mường Khương hiện có 03 doanh nghiệp thu mua, chế biến chè búp tươi, gồm: Công ty Cổ phần Chè Thanh Bình với công suất chế biến 20.000 tấn chè búp tươi mỗi năm, Công ty Mường Hoa với dây chuyền chế biến chè Ô long xuất khẩu đã bao tiêu toàn bộ nguyên liệu chè Kim Tuyên tại 2 xã Cao Sơn, La Pan Tẩn và Cong ty cổ phần chè Cao Sơn chuyên sản xuất chè nội tiêu chất lượng cao. Trong những năm qua, 03 doanh nghiệp luôn đồng hành, hỗ trợ người trồng chè trong việc cung ứng vật tư, tư vấn kỹ thuật. Ngoài ra, các doanh nghiệp luôn quan tâm đến xây dựng thương hiệu và quảng bá hình ảnh chè Mường Khương. Đến nay, Sản phẩm “chè Mường Khương” và “chè ô long Cao Sơn” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể.
Trên địa bàn huyện Mường Khương hiện có 03 doanh nghiệp thu mua, chế biến chè búp tươi, gồm: Công ty Cổ phần Chè Thanh Bình, Công ty Mường Hoa và Công ty cổ phần chè Cao Sơn đảm bảo khâu tiêu thụ sản phẩm cho người dân được ổn định
Bên cạnh đó, phần lớn sản lượng của doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Trung Đông và Đài Loan với hàng rào về an toàn thực phẩm nghiêm ngặt nên từ đầu mỗi vụ sản xuất, doanh nghiệp đều ký hợp đồng với người dân. Theo đó, công ty bao tiêu toàn bộ sản phẩm, cung ứng vật tư đảm bảo chất lượng và người dân sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn kỹ thuật từ khâu sản xuất đến chế biến. Việc liên kết này đảm bảo tính bền vững trong sản xuất và kinh doanh ngành hàng chè.
Cùng với phát triển cây quýt, cây chè, thì cây chuối đang là một trong những cây ăn qua đem lại hàng trăm triệu đồng cho nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện. Hiên cây chuối ở huyện Mường Khương được trồng tập trung chủ yếu tại các xã Bản Lầu, Lùng Vai, Bản Xen, Thanh Bình và xã Nậm Chảy ... Thời điểm này, nông dân ở tại các địa bàn đang nhộn nhịp bước vào vụ thu hoạch chuối. Tính đến nay tổng diện tích trồng chuối của toàn huyện là 2003 ha, diện tích cho thu hoạch 1.810 ha, tính hết tháng 10 bà con đã thu hoạch được 31.116 tấn; giá bán bình quân dao động từ 4.000 - 7.000 đồng/kg, giá trị sản lượng đạt 145,56 tỷ đồng. Có thể nói trong những năm trở lại đây cây chuối đã trở thành loại cây giúp người nông dân trên địa bàn huyện Mường Khương thoát nghèo bền vững, mỗi ha, trừ chi phí người người dân thu được khoảng 70 triệu đồng/năm.
Hiện cây chuối ở huyện Mường Khương được trồng tập trung chủ yếu tại các xã Bản Lầu, Lùng Vai, Bản Xen, Thanh Bình và xã Nậm Chảy ... với tổng diện tích trồng chuối của toàn huyện là 2003 ha
Song song với đó diện tích dứa của toàn huyện Mường Khương trên 775 ha, diện tích cho thu hoạch trên trên 708 ha; huyện Mường Khương được đánh giá là địa phương có diện tích trồng dứa lớn nhất tỉnh. Cây dứa được trồng tập trung tại các xã hạ huyện như Bản Lầu, Bản Xen và Lùng Vai. Tùy vào điều kiện chăm sóc, cây dứa có thể cho thu hoạch từ 25 - 50 tấn/ha. Giá trị kinh tế từ cây dứa mỗi năm đạt gần 70 tỷ đồng.
Giá trị kinh tế từ cây dứa tại huyện Mường Khương mỗi năm đạt gần 70 tỷ đồng.
Để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, đồng thời xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản đặc trưng. Trong những năm qua Mường Khương đã vận động đồng bào chọn các loại giống có chất lượng tốt, sản xuất theo quy trình VietGAP; tăng cường liên kết với doanh nghiệp đầu tư vào chế biến. Bên cạnh đó, huyện còn thường xuyên tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại như: hội chợ, lễ hội văn hóa, chợ đêm, chợ phiên vùng cao, du lịch trải nghiệm... Thông qua các hoạt động này, du khách biết đến nhiều hơn các thương hiệu nông sản Mường Khương như: gạo Séng Cù, tương ớt, quýt, chè, thịt lợn đen, lạp xường..., mang đậm dấu ấn văn hóa của đồng bào dân tộc vùng cao. Với hướng đi đúng, Mường Khương được tỉnh Lào Cai đánh giá là một trong những địa phương về phát triển vùng hàng hóa đặc trưng, đem lại nguồn thu cả trăm tỷ đồng/năm cho đồng bào vùng cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững. Bên cạnh việc xây dựng thương hiệu, hằng năm huyện Mường Khương mở “Lễ hội quýt” kết hợp thu hút khách du lịch và quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông sản, đồng thời tích cực tham gia các hội chợ nông nghiệp trong và ngoài tỉnh Lào Cai để mở rộng thị trường tiêu thụ quýt cho người dân địa phương.