Nông dân Mường Khương bắt tay vào thu hoạch Dứa năm 2022
Huyện Mường Khương là địa phương có diện tích trồng dứa lớn nhất tỉnh. Đến nay diện tích dứa của toàn huyện là 1.455 ha (diện tích cho thu hoạch 1.012ha). Sản lượng thu hoạch đến nay đạt khoảng 8.550 tấn, giá bán bình quân từ 3.000 - 3.500 đồng/kg, giá trị sản lượng đạt gần 33 tỷ đồng. Cây dứa được trồng tập trung tại các xã hạ huyện như Bản Lầu, Bản Xen và Lùng Vai. Tùy vào điều kiện chăm sóc, cây dứa có thể cho thu hoạch từ 25 - 50 tấn/ha. Giá trị kinh tế từ cây dứa mỗi năm đạt gần 70 tỷ đồng. Trong những năm qua sản lượng dứa của Mường Khương chủ yếu được xuất bán sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Năm 2022, là năm tiếp tục ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, việc giao thương hàng hóa gặp nhiều khó khăn, trong đó có quả dứa. Tuy nhiên hiện tại quả dứa của huyện Mường Khương vẫn được duy trì tiêu thụ tại thị trường trong nước qua các nhà máy chế biến dứa với mức giá 4.000 – 5.000 đồng/kg. Hiện nay với điều kiện thời tiết thuận lợi bà con nông dân đang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch Dứa. Trên các sườn đồi nhà nhà, người người trên lưng vác những chiếc gùi, sắp từng quả dứa gùi xuống ven đường để tập kết hàng chờ các thương lái trong và ngoài tỉnh đến thu mua.
Cây dứa được trồng tập trung tại các xã hạ huyện như Bản Lầu, Bản Xen và Lùng Vai
Đối với các địa phương có diện tích trồng Dứa thì xã Bản Lầu được coi là thủ phủ dứa của huyện Mường Khương với 1.200 ha; trong đó, hiện có 900 ha đang cho thu hoạch với sản lượng khoảng từ 22 đến 25 nghìn tấn quả, đem về cho đồng bào dân tộc H’Mông, Dao ở vùng đất biên giới này hàng chục tỷ đồng, được coi là cây mũi nhọn xóa đói giảm nghèo hiệu quả của người dân địa phương. Bên cạnh đó, các xã Lùng Vai, Bản Sen cũng phát triển mạnh trồng dứa. Kể từ khi Nhà máy chế biến dứa hộp của Công ty cổ phần thực phẩm Á Châu được xây dựng và đi vào hoạt động, có năng lực thu mua dứa nguyên liệu và chế biến 4.600 tấn dứa hộp và 1.600 tấn nước dứa cô đặc, để xuất khẩu sang thị trường Nga và Ukraine. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và xung đột Nga-Ukraine, Nhà máy chế biến dứa hộp Mường Khương gặp nhiều khó khăn. Để khắc những giải pháp trước mắt huyện Mường Khương bên cạnh việc tăng cường chào hàng, tiếp thị bán ra các thị trường trong tỉnh và một số chợ hoa quả đầu mối ở Hà Nội, thì địa phương cũng đang đẩy mạnh việc tìm các mối tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố.
Dứa được người dân bán lẽ ven đường Quốc lộ 4D của huyện
Sản phẩm được Nhà máy chề biến hoa quả Á Châu thu mua và chế biến
Cụ thể, UBND tỉnh Lào Cai chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại Lào Cai, kết nối với đại diện hệ thống siêu thị WinMart tại Hà Nội nhằm đưa quả dứa vào hệ thống chuỗi siêu thị trong nước, mở rộng thị trường đầu ra cho nông sản Mường Khương. Siêu thị WinMart Hà Nội là một siêu thị lớn trong nước, có uy tín, chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm. Do đó việc quả dứa Mường Khương được đưa Siêu thị chọn làm sản phẩm kinh trong sẽ mở ra một hướng phát triển, quản bá sản phẩm nông nghiệp của người vùng cao Mường Khương. Bên cạnh đó nhiều năm qua quả dứa Mường Khương được các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, các tư thương từ một số tỉnh thành như Bắc Ninh, Hà Nội, Thanh Hóa.. đánh giá sản phẩm có chất lượng, quả ngọt đậm, màu sắc đẹp, quả to đều do đó đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu chuẩn Hệ thống siêu thị này đề ra. Đặc biệt quả dứa Mường Khương được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Chứng nhận nhãn hiệu tập thể và đã có tem truy suất nguồn gốc. Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai cũng chủ động mời gọi các doanh nghiệp, đồng thời làm việc với Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để hỗ trợ xúc tiến, tiêu thụ dứa cho huyện Mường Khương…
Sản phẩm Dứa Mường Khương được bày bán trong Siêu thị WinMart tại Hà Nội
Dứa Mường Khương được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Chứng nhận nhãn hiệu tập thể và đã có tem truy suất nguồn gốc
Với những nỗ lực này, trong những ngày gần đây một số doanh nghiệp và đơn vị chế biến ở các tỉnh, đã tới thu mua quả dứa tươi cho nông dân ở các xã Bản Lầu, Lùng Vai…